Fast Austrelia Wide Shipping & support@example.com

Vận dụng ngay ”5 bận rộn, 1 nhàn rỗi” để SỐNG CÂN BẰNG, tận hưởng hạnh phúc

Có lẽ điều công bằng nhất trong cuộc sống này đó chính là ai cũng có 24h mỗi ngày để làm việc, nghỉ ngơi. Cách cân đối thời gian sao cho hợp lý chính là mấu chốt tạo dựng thành công ở mỗi người. Biết cách vận dụng ”5 bận rộn, 1 nhàn rỗi”, chắc chắn bạn sẽ có được cuộc sống mà nhiều người ao ước.
Nếu còn đang loay hoay chưa biết làm sao để cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi thì hãy ngẫm lời dạy của cổ nhân: Đời người bất kỳ ai cũng cần có ”5 bận rộn, 1 nhàn rỗi” – cổ nhân dạy về cách cân bằng cuộc sống. Bận rộn đúng cách và nhàn rỗi hợp lý thì mọi khó khăn trong cuộc sống cũng chỉ bé như hạt cát.

I. “5 bận rộn” mà cổ nhân nhắc đến gồm những gì?

Hãy nhớ rằng, trong lúc bạn đang lười biếng, than ngắn thở dài thì các đối thủ của bạn đang hành động từng phút, từng giờ. Để trở thành người chiến thắng trong cuộc sống có quá nhiều bộn bề này thì đừng bỏ quên “5 bận rộn” này!

1. Đôi chân cần bận rộn để lên rừng xuống biển, khám phá muôn nơi

Thế giới bao la rộng lớn, đừng biến mình trở thành người “tối cổ” khi cứ mãi ì ạch một chỗ. Đi ra ngoài trải nghiệm để biết mình còn nhỏ bé lắm trong cuộc đời, để biết mình còn yếu kém, thiếu sót ở đâu để mà hoàn thiện.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, mỗi trải nghiệm chắc chắn ít nhiều cho chúng ta những bài học quý giá mà nếu không đi thì mãi mãi ta không biết được. Đôi chân cần bận rộn để đi học hỏi, đi tìm hiểu những điều thú vị của cuộc sống. Hành trình vạn dặm thì cũng bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé, chỉ có đi thì mới đến đích được!
Đi không chỉ là để học hỏi, đi còn là để thư giãn và làm mới bản thân. Khi mệt mỏi, bế tắc thì đừng ngại xách ba lô lên và đi, tìm cho mình những nơi có cảnh quan thoáng đãng để làm mới bản thân. Sau những chuyến đi, không chỉ tinh thần mà cả thể xác cũng được sạc đầy năng lượng, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới.

2. Bàn tay cần bận rộn để làm việc chăm chỉ

Người xưa có câu “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, ý nói rằng chỉ có chăm chỉ làm việc thì mới có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Nếu cứ “há miệng chờ sung” thì đến lúc sung rụng trúng miệng có lẽ chúng ta đã chết vì đói rồi từ trước đó rồi.
Có một khoảng cách rất lớn giữa thực tế và lý thuyết. Chúng ta dễ dàng tưởng tượng và suy nghĩ ra rất nhiều thứ để làm nhưng có bắt tay vào thực hiện không mới là yếu tố quyết định. Thế mới nói, trí tuệ đến từ tâm trí là thứ hai, nhưng trí tuệ đến từ hành động lại là thứ nhất. Cho dù công việc có dễ dàng đến mấy mà không bắt tay vào thực hiện thì mãi mãi vẫn không làm được.
Bàn tay cần bận rộn để làm thành thạo mọi việc, có những công việc tưởng chừng rất khó khăn, khó nhớ nhưng nếu cứ làm nhiều thì sẽ quen tay. Khi đã quen tay thì đôi khi có nhắm mắt ta vẫn có thể làm thành thạo công việc đó. Vậy nên, nếu muốn thành công thì đừng ngại để đôi tay được bận rộn làm việc chăm chỉ mỗi ngày.

3. Mắt bận cần rộn để tinh tường quan sát vạn vật trên thế gian

Có những người, những việc trong cuộc sống này, đôi khi nhìn vậy mà không phải vậy. Nếu chỉ nhìn từ một phía, e rằng ta sẽ đánh giá sai vấn đề. Cần nhìn nhận mọi thứ đa chiều, khách quan để không làm tổn hại đến ai, đúng như lời dạy của cổ nhân: Đôi mắt bận cần rộn để tinh tường quan sát vạn vật trên thế gian.
Trên thế giới này chỗ nào cũng đẹp, chỉ là thiếu đôi mắt đẹp để thấy được cái đẹp mà thôi. Nhìn mọi thứ bằng đôi mắt bao dung, nhân hậu ta cũng thấy lòng mình bình yên hơn. Có người tiêu cực, có người tích cực, có lẽ cũng bởi cách nhìn nhận cuộc sống của mỗi người là khác nhau.
Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào điểm xấu của một người, chắc chắn ta sẽ thấy họ thật tồi tệ, nhưng nếu nhìn vào cả những điểm tốt của họ, chắc chắn ta sẽ có một ấn tượng khác. Vì thế, hãy để đôi mắt bận rộn để có thể tinh tường nhìn nhận mọi mặt của con người và cuộc sống.

4. Đôi tai cần bận rộn để lắng nghe và thấu cảm

Tại sao Thượng đế tạo ra loài người chỉ có một cái miệng và hai cái tai? đó chính là để chúng ta nói ít đi và lắng nghe nhiều hơn. Lắng nghe để thấu hiểu được câu chuyện, hoàn cảnh của người khác.
Lắng nghe còn là để thay đổi bản thân, không còn kiêu ngạo, cố chấp nữa mà thoải mái chấp nhận những ý kiến đóng góp, nhận xét mọi người. Đôi tai cần bận rộn lắng nghe để nâng cấp bản thân lên một “phiên bản” tốt hơn, hoàn hảo hơn.
Thế giới không thiếu cái miệng biết nói, nhưng lại thiếu đôi tai biết lắng nghe. Trong nhiều trường hợp, không nhất thiết bạn giỏi ăn nói, chỉ cần bạn giỏi lắng nghe mà thôi. Biết cách lắng nghe không chỉ giúp người với người xích lại gần nhau hơn mà còn là cách để làm dịu lại một tâm hồn đang đầy xáo động, rối bời.

5. Bộ não cần bận rộn để suy xét mọi thứ khách quan, thấu đáo

Nước không chảy sẽ bốc mùi hôi thối, con người không động não sẽ dần lùi lại phía sau. Chúng ta sẽ chẳng khác gì một cỗ máy vô tri, vô cảm nếu như không suy nghĩ, động não.
Suy nghĩ nhiều, phân tích nhiều cũng giúp con người trở nên thông minh và logic hơn, tìm được câu trả lời cho mọi vấn đề của cuộc sống. Bộ não cần bận rộn để nhìn nhận mọi vấn đề được thấu đáo, khách quan. Khi con người làm mọi chuyện trong vô thức thì ắt hẳn cuộc sống sẽ rối loạn và đầy rủi ro.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã quan sát một số lượng người nhất định trong độ tuổi từ 20 đến 70 tuổi, phát hiện ra rằng những người làm việc trí óc đến 60 tuổi vẫn duy trì được năng lực tư duy nhạy bén, ngược lại những người không chịu động não, không làm việc trí óc thì tỉ lệ đại não sớm suy thoái hơn những người làm việc trí óc.

II. Cần “1 nhàn rỗi” để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn

“1 nhàn rỗi” mà cổ nhân nhắc đến đó chính là trái tim. Trái tim rất cần được tự do, an nhàn để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống này. Khi tâm bạn an nhàn mà ngắm hoa tàn hoa nở, thì mới có thể làm được những việc to lớn.
Tâm tĩnh lặng giúp chúng ta nhận thức về hiện tại, nơi những hạnh phúc thật sự đã diễn ra. Tận hưởng từng phút, từng giây của cuộc sống này thay vì cứ mãi nuối tiếc về những điều đã qua hay cứ mơ hồ viển vông về bức tranh tương lai.
Hãy để trái tim được nghỉ ngơi sau những xáo động, bộn bề lo toan của cuộc sống. Thả lỏng bản thân. Sự nhàn hạ trong tâm hồn này chính là một khoảng không gian tự do của cuộc sống, chính sự tồn tại của nó làm cho cuộc sống nhàn nhã nhưng không luộm thuộm, bận rộn mà không hốt hoảng.
Nhàn rỗi và bận rộn đều có giá trị riêng của nó. Mong rằng, tất cả chúng ta đều biết cách để vận dụng ”5 bận rộn, 1 nhàn rỗi” vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Thành bại nằm trong tay ta, hãy chủ động và không ngại thay đổi bản thân để hoàn hảo hơn, bạn nhé!

Trên đây là những lời cổ nhân dạy về cách cân bằng cuộc sống với “5 bận rộn” và “1 nhàn rỗi”. Hy vọng thông tin này hữu ích dành cho bạn!

Nguồn: Lịch ngày tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *