Thế nào là béo phì?
|
Trẻ béo phì cần có chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý |
Theo TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, béo phì ở trẻ em là căn bệnh đáng ngại hơn nhiều lần so với tình trạng suy dinh dưỡng. Điều lo lắng là tình trạng trẻ béo phì đang tăng nhanh chóng ở các thành phố lớn và tỉ lệ này sẽ còn tiếp tục cao hơn nữa.
Về nguyên nhân béo phì ở trẻ, nhiều tài liệu nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy ngoài việc ăn quá nhiều đồ ngọt, mỡ, nước xào, rán… trẻ ăn nhiều cơm cũng gây béo phì vì tinh bột khi vào cơ thể một phần năng lượng được dùng cho các hoạt động của cơ thể, phần còn lại dư thừa sẽ chuyển thành mỡ. Ngoài ra, béo phì còn do yếu tố di truyền và ít hoạt động thể lực.
Theo TS Lê Bạch Mai, sự thiếu hiểu biết của bố mẹ trong quá trình nuôi dưỡng cũng là một nguyên nhân khiến con trẻ bị béo phì. Vì khi bước vào tuổi đến trường, chế độ và nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khác hẳn so với những năm đầu đời. Chẳng hạn trẻ từ 1- 3 tuổi nhu cầu chất béo là 35- 40% tổng nhu cầu dinh dưỡng, trong khi trẻ 4-18 tuổi thì nhu cầu chất này giảm đi gần một nửa (20- 25%). Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn chưa biết cách điều chỉnh chế độ ăn phù hợp khiến trẻ thừa chất béo, dẫn đến tăng cân nhanh.
Tránh giảm cân ở trẻ béo phì
Nếu nhịn ăn, mỗi ngày cơ thể trẻ có thể giảm tối đa tới 0,5kg cân nặng nhưng lại gây thiếu hẳn các thành phần dinh dưỡng khác, làm giảm khối lượng cơ và rối loạn chuyển hoá ảnh hưởng xấu đến cơ thể của trẻ bởi cơ thể trẻ luôn phát triển và tăng trưởng. Vì vậy, theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, không được đặt ra vấn đề giảm cân trong điều trị béo phì. Với một số trẻ quá béo cần phải giảm cân thì buộc phải có sự theo dõi và hướng dẫn của cán bộ y tế nhằm tránh thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Không nên bắt trẻ nhịn đói. Nguyên tắc chính điều trị béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.